Bạn thuộc kiểu tính cách ESTP, INTJ, INFJ hay một kiểu nào khác? Những cái tên này có thể rất quen thuộc vì nhiều khả năng là bạn đã từng tham gia hoặc nghe đến bài trắc nghiệm MBTI (Myers–Briggs Type Indicator).
Đây có lẽ là bài đánh giá tính cách được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, với 2 triệu người tham gia thực hiện mỗi năm. Nhưng giá trị và lợi ích thật sự của nó lại đang được thổi phồng quá mức, đặc biệt là trong các hoạt động tuyển dụng, đánh giá nhân sự, giáo dục, hướng nghiệp...
Đọc thêm: Bài học thực tế từ Google: "Nói “không’ với phỏng vấn tuyển dụng"
Nội dung
- Vì sao các nhà tâm lý học bác bỏ MBTI?
- MBTI không có nền tảng lý thuyết vững chắc
- MBTI thiếu tính khoa học
- Tại sao MBTI vẫn còn rất phổ biến?
- Nên dùng bài kiểm tra nào?
Bị các nhà tâm lý học bác bỏ
MBTI được phát triển bởi 2 người Mỹ, Katharine Cook Briggs và con gái của bà, Isabel Briggs Myers, trong giai đoạn Thế chiến thứ 2. Nhưng nền tảng lý thuyết của nó thì đã ra đời từ những năm 1920, với tác giả là Carl Gustav Jung, một bác sĩ tâm thần học người Thụy Sĩ.
Thông qua việc trả lời một bộ câu hỏi trắc nghiệm, từ 88 đến 93 câu tùy theo phiên bản, những người tham gia sẽ được phân chia thành 16 kiểu tính cách khác nhau.
Đọc thêm: Mô hình tính cách 5 yếu tố (Big Five): Những điều bạn cần biết!
Tính cách của con người, theo MBTI, được tạo nên từ 4 thành tố, với mỗi thành phần gồm 2 lựa chọn. 4 thành tố của MBTI còn được gọi là 4 cặp lưỡng phân, vì mỗi thành phần chỉ có thể là 1 trong 2 lựa chọn tương ứng. 4 cặp lưỡng phân này gồm:
- Xu hướng tâm lý: Hướng ngoại (Extraversion) - Hướng nội (Introversion)
- Nhận thức thế giới: Cảm giác (Sensing) - Trực giác (INtution)
- Cách thức ra quyết định: Lý trí (Thinking) - Tình cảm (Feeling)
- Nguyên tắc hành động: Nguyên tắc (Judgment) - Linh hoạt (Perception)
Từ đó, sẽ có 16 cách kết hợp các lựa chọn này với nhau, tương ứng với 16 kiểu tính cách, theo MBTI. Những kiểu tính cách này được đặt tên bằng cách kết hợp 4 chữ cái đầu. Như kiểu ISTJ sẽ tương ứng với: Hướng nội (Introversion), Cảm giác (Sensing), Lý trí (Thinking), và Nguyên tắc (Judgment).
Ngoài ra, MBTI còn đặt những tên gọi mang tính biểu trưng cho 16 kiểu tính cách này.
Bài trắc nghiệm MBTI thường xuyên được dùng cho nhiều loại mục đích khác nhau, như giáo dục, hướng nghiệp, tuyển dụng, đào tạo doanh nghiệp, phát triển nghề nghiệp và phát triển cá nhân.
89 công ty trong danh sách Fortune 100, cùng với 200 cơ quan của chính phủ Mỹ, dùng MBTI để đánh giá nhân viên và ứng viên xin việc. Nó đã được địa phương hóa cho 20 ngôn ngữ khác nhau. CPP, công ty giữ quyền khai thác bài đánh giá tính cách này, có doanh thu hàng năm vào khoảng 20 triệu USD.
Đọc thêm: So sánh ưu và nhược điểm của các bài đánh giá tâm lý (Psychometric Asessments)
Song trái ngược với mức độ phổ biến và thành công thương mại, MBTI lại gần như bị ruồng rẫy bởi toàn bộ cộng đồng những nhà tâm lý. Bài đánh giá này rất hiếm khi được đề cập đến trong những nghiên cứu đăng trên các tạp chí uy tín về tâm lý học, với ngoại lệ là những bài viết chỉ trích MBTI.
Tạp chí duy nhất thường xuyên có bài viết về MBTI là “The Journal of Psychological Type”, nhưng đây lại là tờ tạp chí được CPP hỗ trợ về tài chính.
Tại sao một bài đánh giá tâm lý phổ biến như MBTI lại bị chính những nhà tâm lý học bác bỏ? Sau đây là những lí do chính.
Không có nền tảng lý thuyết vững chắc
MBTI được xây dựng dựa trên lý thuyết về mẫu tâm lý học của Carl Jung, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1921. Trong đó, ông cho rằng con người có 4 chức năng nhận thức chính gồm: suy nghĩ, cảm xúc, giác quan, và trực giác.
Những chức năng này gần giống 4 cặp lưỡng phân của MBTI sau này. Tuy vậy, lý thuyết này hoàn toàn dựa trên những quan sát chủ quan và kinh nghiệm cá nhân của Jung thay vì những chứng cứ khoa học khách quan.
Trước khi đọc về lý thuyết của Jung, Katharine Cook Briggs cũng đã tự phát triển một giả thuyết riêng của mình, theo đó các cá nhân có thể được phân chia theo 4 loại tính khí chính là: tĩnh tâm, bốc đồng, hành động, và hòa đồng. Giả thuyết này cũng chỉ được dựa trên quan sát của bà về những cá nhân trong gia đình.
Đọc thêm: Các phương pháp tốt nhất để cải thiện trải nghiệm ứng viên khi tuyển dụng
Cả Katharine Cook Briggs và con gái Isabel Briggs Myers đều không được đào tạo bài bản về tâm lý học. Thay vào đó, Myers học các kỹ thuật xây dựng bài trắc nghiệm và kiến thức về thống kê từ Edward Hay, một quản lý nhân sự tại thành phố Philadelphia. Nói cách khác, MBTI là một sản phẩm của sự suy đoán thuần túy, và những giả thuyết mà không có chứng cứ khoa học nghiêm túc nào hỗ trợ.
Thiếu tính khoa học
MBTI yếu cả về tính tin cậy và tính xác thực, vốn là 2 hòn đá tảng trong phương pháp nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, MBTI cũng có tính ứng dụng kém.
Độ xác thực
Độ xác thực (validity) cho thấy khả năng của một công cụ đánh giá có thể thực sự đo lường được đối tượng của mình hay không. Cụ thể trong trường hợp này là liệu bài đánh giá có thể xác định và phân loại chính xác những loại tính cách không. Việc dựa vào 4 cặp lưỡng phân khiến MBTI có độ xác thực kém.
Tìm hiểu thêm: Những gì bạn cần biết về quản lý nhân tài
Trong thực tế, tính cách con người nên được mô tả theo mức độ, ví dụ như tính hướng ngoại nhiều hay ít, thay vì chỉ theo 2 thái cực: hoặc hướng nội, hoặc hướng ngoại. Tỷ lệ người tuyệt đối hướng nội hay tuyệt đối hướng ngoại là gần như không có. Gần như tất cả chúng ta đều rơi vào khoảng giữa 2 thái cực đó.
Nhiều câu hỏi của MBTI buộc người trả lời phải chọn giữa 2 thái cực. Ví dụ như một câu hỏi: “Bạn có xu hướng cảm thông với người khác” chỉ có 2 câu trả lời đơn giản “Có” hoặc “Không.”
Đa số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng phân loại tính cách con người cũng tuân theo phân phối chuẩn của thống kê, nghĩa là đa số sẽ nằm ở khoảng giữa, và chỉ 1 số ít nằm ở gần 2 thái cực.
Đọc thêm: Vì sao định kiến nhận thức tạo tính thiếu xác thực trong phỏng vấn?
Theo đó, khoảng 68% dân số có thể được xem là hơi hướng nội / hơi hướng ngoại. Chỉ 16% số người có thể được đánh giá là rất hướng nội và 16% rất hướng ngoại. Vì vậy, MBTI không phản ánh chính xác tính cách của con người trong thực tế.
Độ tin cậy
Độ tin cậy (reliability) cho thấy tính nhất quán của bài đánh giá. Nếu bài đánh giá được thực hiện nhiều lần với cùng 1 người, với khoảng thời gian giữa các lần đánh giá không quá lớn, thì kết quả không nên có sự thay đổi.
Theo tiêu chí này thì bài trắc nghiệm MBTI cũng không đạt yêu cầu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn thực hiện bài đánh giá này 2 lần thì có đến 50% khả năng kết quả của 2 lần đó sẽ khác nhau, mặc dù khoảng thời gian giữa 2 lần chỉ là 5 tuần. Tiêu chuẩn chung được chấp nhận trong ngành là vào khoảng từ 70%-90%.
Tính ứng dụng
Do có độ xác thực và độ tin cậy thấp, khả năng ứng dụng (utility) của MBTI cũng chỉ nên được gói gọn trong việc dùng để giải trí. Một hội đồng đánh giá của Viện hàn lâm khoa học Mỹ vào năm 1991 đã kết luận rằng: “chưa có một nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc nào cho thấy MBTI nên được dùng cho các chương trình hướng nghiệp.”
Mặc dù MBTI thường được giới thiệu là một công cụ hiệu quả để xác định mức độ phù hợp công việc (xác định bạn nên chọn ngành nghề nào), nhưng những nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng rằng tỷ lệ phần trăm của các kiểu tính cách, theo MBTI, trong từng ngành nghề khác nhau không có sự khác biệt đáng kể và gần như tương đương với tỷ lệ chung của toàn bộ dân số.
Đọc thêm: Công cụ phỏng vấn phản ánh tính không minh bạch trong tuyển dụng
Vì vậy, MBTI về cơ bản là vô dụng trong việc dự đoán khả năng loại người với tính cách nào sẽ thành công trong những ngành nghề cụ thể. Ngay cả tài liệu hướng dẫn của MBTI cũng ghi rõ: “Việc yêu cầu ứng viên thực hiện bài đánh giá như một tiêu chuẩn để lựa chọn là không phù hợp với đạo đức doanh nghiệp và đôi lúc có thể bị xem là bất hợp pháp.”
Các tài liệu này cũng không khuyến khích dùng MBTI để dự đoán khả năng thành công trong công việc. Tuy vậy, hàng triệu người dường như vẫn bỏ qua những cảnh báo trên và tiếp tục dùng bài trắc nghiệm này.
Tại sao MBTI vẫn còn rất phổ biến?
Lí do giải thích cho sự phổ biến của MBTI cũng tương tự như lí do cho sự phổ biến của các bài trắc nghiệm tử vi, chiêm tinh. Trong phần mô tả của 16 loại tính cách có rất nhiều các từ ngữ hoa mỹ và tâng bốc như “thiên hướng hành động”, “tinh tế”, “sáng tạo”, hay “đam mê.” Mọi người sau khi đọc kết quả của mình đều cảm thấy hạnh phúc và do đó yêu thích bài đánh giá này.
Đọc thêm: Bí quyết để phòng nhân sự xác định ưu tiên nguồn lực trong tuyển dụng
Những người tham gia MBTI còn chịu ảnh hưởng của Hiệu ứng Forer, đặt theo tên của nhà tâm lý học người Mỹ Bertram R. Forer. Trong một thử nghiệm vào năm 1948, Forer cho một nhóm sinh viên thực hiện một bài đánh giá tâm lý. Một tuần sau, ông trả lại cho mỗi người một bảng kết quả cá nhân gồm 13 câu mô tả tính cách của từng sinh viên. Hầu hết các sinh viên đều đánh giá rằng bảng kết quả này mô tả rất chính xác tính cách của mình.
Nhưng trên thực tế thì mọi sinh viên đều nhận cùng 1 bảng kết quả duy nhất, với 13 câu mô tả được lấy ngẫu nhiên từ một cuốn sách chiêm tinh. Những câu này đều mang tính chung chung và mập mờ và vì vậy có thể nghiệm đúng với hầu hết mọi người. Những bảng mô tả kết quả của MBTI cũng có tính chất tương tự.
Một nguyên nhân khác là các kết quả của MBTI tương đối đơn giản và dễ hiểu, hầu như ai cũng có thể đọc và tự rút ra kết luận cho mình, mặc dù trên thực tế thì CPP cũng yêu cầu những người giám sát việc thực hiện bài đánh giá phải có những chứng chỉ chuyên biệt do tổ chức này cung cấp.
Nên dùng bài kiểm tra nào?
Nếu công ty hay tổ chức của bạn có nhu cầu về đánh giá tính cách và mức độ phù hợp công việc thì nên cân nhắc sử dụng những bài đánh giá dựa trên cơ sở khoa học vững chắc như mô hình 5 nhân tố hay Great People Inside. Chúng dựa trên những lý thuyết khoa học được thừa nhận rộng rãi, và thỏa mãn các yêu cầu về tính xác thực, tính tin cậy và tính ứng dụng.